Mẹ sau sinh và những vấn đề sức khỏe thường gặp

Updated 22/12/2022

Ngoài việc chuẩn bị kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ bỉm cũng cần biết thêm những vấn đề sức khoẻ thường gặp sau sinh để khắc phục kịp thời.

Hầu hết các bà mẹ trong giai đoạn mang thai đều chỉ tập trung lo lắng cho các tiêu chuẩn của con mà quên mất rằng bản thân cũng cần được quan tâm và chăm sóc. Dưới đây là một số vấn đề sức khoẻ sau sinh mà mẹ thường gặp. Nếu mẹ sắp sinh, hãy có sự chuẩn bị kỹ để kịp thời khắc phục ở những vấn đề này nhé.

Mẹ sau sinh và những vấn đề sức khoẻ thường gặp

Ở bài viết này, để các mẹ dễ hiểu, mẹ Chi sẽ chia các vấn đề thường gặp ra thành 2 trường hợp. Thứ nhất là vấn đề sức khoẻ hậu phẫu và vấn đề sức khoẻ trong giai đoạn cho con bú.

Vấn đề sức khoẻ hậu phẫu của phụ nữ sau sinh

Đau tầng sinh môn đối với phụ nữ đẻ thường

Hiện các bệnh viện tư đã hiện đại hơn với phương pháp đẻ thường không đau bằng cách gây tê màng cứng. Nhưng phương pháp này chỉ hỗ trợ giảm đau cho mẹ trong giai đoạn sinh con. Sau đó, khi hết thuốc tê các mẹ vẫn sẽ bị đau và khó khăn trong việc tiểu tiện. Đặc biệt nếu mẹ bị rạch và khâu tầng sinh môn thì không thể tránh khỏi những cơn đau khó chịu. 

Mẹ Chi hồi sinh Upin không có nhiều kinh nghiệm để giảm đau. Nhưng ngày sinh Ipin có kinh nghiệm hơn, lúc đi sinh mẹ Chi đã thủ sẵn xịt giảm đau vết khâu tầng sinh môn Earth Mama Herbal Perineal, cứ vậy để trong tủ mát của tủ lạnh và dùng sau khi đi vệ sinh xong cảm thấy dễ chịu hẳn. 

Nếu mẹ không kịp dùng xịt giảm đau thì có thể chuẩn bị khăn gạc chườm mát để giảm sưng giảm đau lúc cần nhé. Nếu khó chịu quá đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Đau vết mổ đối với phụ nữ sinh mổ

Phải nói đây là cơn đau cực kỳ kinh khủng mà mẹ sinh mổ nào cũng đã từng trải qua. May mắn có thuốc giảm đau sẽ hỗ trợ các mẹ đôi chút nhưng vì không thể lạm dụng thuốc này quá nhiều nên mẹ phải chịu đựng cơn đau. Đặc biệt trong giai đoạn tập đi sau sinh mổ, khi mẹ phải tự vận động đi lại.

Mẹ cố gắng tập vận động sớm để cơn đau qua nhanh khi cơ thể đã đi lại bình thường. Ngoài ra nên sử dụng thuốc giảm đau đúng giờ, đúng cách để cơ thể đỡ đau và nhanh chóng phục hồi nhé.

Vấn đề sức khoẻ thường gặp trong giai đoạn cho con bú

Sau sinh đến tháng thứ 6, cơ thể phụ nữ đang ở trong giai đoạn phục hồi nên sức khoẻ còn khá yếu. Mẹ sẽ dễ gặp phải các vấn đề sau:

Bệnh trĩ

Phải nói qua 2 lần sinh, lần nào mẹ Pin cũng có bị trĩ ghé thăm. Phần do trong giai đoạn mang bầu bị táo bón thời gian dài, phần vì thay đổi nồng độ hormone progesteron nên gây ra bệnh trĩ. Rồi chế độ ăn uống không khoa học, vân vân mây mây đủ thứ nhưng nhìn chung là 9/10 mẹ sau sinh đều thừa nhận là mình có bị trĩ, chỉ là nặng hay nhẹ.

Cũng giống như những bà mẹ khác trong lần đầu sinh con, mẹ Chi không hề tìm hiểu để vấn đề này mà để nó đến và đón nhận một cách tự nhiên. Thành ra đã chịu “thiệt thòi” rất nhiều trong thời gian khá dài. Mãi mấy tháng sau mẹ Chi mới biết có nhiều cách để cải thiện được cơn đau khó chịu mà trĩ gây ra. Bằng ăn uống, bằng các kem bôi giảm đau, bằng thực phẩm hỗ trợ chức năng…

Cương và tắc tia sữa

Nếu hỏi mẹ Chi có cơn đau nào ngang hoặc hơn đau đẻ thì mẹ Chi không ngần ngại trả lời là cơn đau “tắc tia”. Có nhiều mẹ sau sinh bị cơn đau tắc tia sữa hành mà quên mất cơn đau đẻ là gì. 

Mẹ đặc biệt phải chuẩn bị tâm lý và kiến thức để có những phương pháp cải thiện khi có dấu hiệu bị tắc tia sữa. Có nhiều trường hợp mẹ bị sốt, bị nóng lạnh lên xuống, bị ápxe vú… dẫn đến trầm cảm thậm chí nhập viện khi không điều trị đúng cách. 

Để phòng tránh được điều này mẹ hãy học cách cho con bú đúng khớp, ăn đúng và đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước ấm. Bên cạnh đó hãy học cách massage, vắt sữa khi cần, hay có thể uống các thực phẩm trị tắc tia sữa để không bị tắc tia ghé thăm nhé. 

Đau lưng và nhức mỏi cơ xương khớp

Hậu quả của 9 tháng 10 ngày mang thai là cơn đau lưng và xương khớp kéo dài cho đến tận sau sinh. Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh thường gặp phải tình trạng đau lưng do cơ thể thay đổi hoocmon, vòng bụng to ra cần lực nâng đỡ, loãng xương vì thiếu hụt canxi, tăng cân đột ngột, bệnh lý tiềm ẩn…

Để khắc phục đau lưng sau sinh, hầu hết các mẹ sẽ được nghe ông bà ta mách bảo nên nằm nhiều một chỗ để nghỉ ngơi, hạn chế ngồi nhiều và lao động nặng nhọc quá sớm. Mẹ Chi không có ý kiến gì nhiều về quan niệm này nhưng do tính chất công việc nên mẹ Chi đã phải làm việc từ sớm chứ không kiêng quá nhiều. 

Thay vào đó mẹ Chi cố gắng bổ sung thêm canxi, vitamin tổng hợp đều đặn mỗi ngày cho đến tháng thứ 6. Về sau thì mẹ Chi chuyên bổ sung Vitamin và các thực phẩm hỗ trợ khác. Thì thấy sức khoẻ và đề kháng của mình cũng có phần ổn định và đến hiện tại mẹ Chi có thể sinh hoạt một cách bình thường sau 2 năm sinh anh Ipin.

Ngoài ra, tuỳ cơ địa mỗi mẹ là khác nhau nên mẹ có thể gặp phải 1 số tình trạng như:

 

 

Xem thêm: Khô hạn sau sinh, ước gì mẹ biết điều này sớm hơn

  • Rụng tóc sau sinh

  • Chóng mặt, dễ ngất xỉu

  • Suy nhược cơ thể

  • Tức ngực, khó thở, thở gấp

  • Khô hạn sau sinh

  •  

Mẹ nhớ thường xuyên theo dõi những thay đổi trên cơ thể của mình giai đoạn sắp sinh và sau sinh, nếu phát hiện những vấn đề sức khoẻ thường gặp sau sinh mà Chi kể ở trên, hãy có cho mình những điều chỉnh phù hợp nhé. Và đừng ngần ngại nhắn mẹ Chi để được tư vấn nhiệt tình ạ.

 

Read more about Baby