“Đọc vị” tiếng khóc của trẻ sơ sinh: bí quyết chăm con khỏe mẹ nhàn
Tiếng khóc của con mang tới những ý nghĩa khác nhau. Hiểu được tiếng khóc của con giúp mẹ yên tâm hơn trong việc chăm sóc bé.
Với bố mẹ “lần đầu”, việc đối mặt với tiếng khóc của con có thể rơi vào lúng túng và căng thẳng, quan sát và hiểu được tiếng khóc của con giúp bố mẹ hiểu đúng nhu cầu. Từ đó giúp bố mẹ giảm bớt căng thẳng và chăm sóc con tốt hơn.
Khóc được coi là ngôn ngữ của con muốn thể hiện một nhu cầu nào đó và cảm xúc với bố mẹ và những người xung quanh. Khi con khóc nghĩa là con đang thể hiện một nhu cầu cơ bản nào đó chưa được thỏa mãn như bé đói, buồn ngủ, thay tả, cần được vỗ về hay minh chứng dấu hiệu con không được khỏe. Khi nghe bé khóc, mẹ đừng vội lo lắng, mà trước tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân để hiểu và đáp ứng những điều bé muốn gửi gắm.
Hãy cùng “khám phá ngôn ngữ đặc biệt” của bé yêu và mang lại sự tự tin khi nuôi dưỡng con, giúp con yêu mạnh khỏe và phát triển toàn diện mẹ nhé!
Con đói bụng
Đây có lẽ là điều đầu tiên bố mẹ nghĩ tới, có phải con khóc do đói không. Nếu có những dấu hiệu sau, có thể con cần một bình sữa ngay đó ạ. Khi con đói, âm thanh “neh..neh” kéo dài, trầm và lặp đi lặp lại, ngắt quãng bằng những khoảng dừng dài kèm theo các dấu hiệu: quấy khóc xen giữa là các động tác mút tay, nhóp nhép miệng.
Khi con bú xong, sau một khoảng thời gian ngắn, con vẫn khóc có thể con bú chưa bú no.
Khi con có dấu hiệu đói, mẹ nên cho con ti sữa liền vì khi trẻ khóc nhiều sẽ nuốt không khí, dẫn tới bị đầy hơi và điều này càng khiến bé khó chịu rồi khóc nhiều hơn. Sự lặp lại liên tục, có thể dẫn tới biếng bú, đau bụng đó ạ.
Con cần được ợ hơi
Con khóc to dữ dội sau khi ăn, mẹ cho con ti tiếp và có dấu hiệu từ chối. Lúc này mẹ nghĩ tới việc “ợ hơi” cho con mẹ nhé. Mẹ có thể bế bé đứng thẳng và quay mặt vào ngực mình, cằm tựa lên vai, sau đó nhẹ nhàng vuốt lưng bé. Có một số mẹ lại đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực bé và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Mẹ nên nhớ lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra.
Một số dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi là bé co đầu gối lên ngực và có âm thanh như “eeh..eeh”. Hãy giúp con bằng cách đặt bé nằm ngửa, giữ chân con và di chuyển chân như động tác đạp xe.
Con buồn ngủ
Em bé sơ sinh ngoài nhu cầu ăn thì ngủ thường chiếm thời gian phần lớn của con, khi con khóc, âm thanh như “oah..oah”, mắt nhắm mắt mở miệng vẫn khóc, có thể kèm dụi mắt, ngáp, gãi đầu gãi tai mẹ hãy vỗ vễ cho con vào giấc ngủ.
Giấc ngủ rất quan trọng với sức khỏe và trí tuệ của trẻ, nếu bé sơ sinh có những giấc ngủ ngắn một giờ đồng hồ trước, vẫn khóc ê a thì có thể con ngủ chưa đủ, cần ngủ tiếp.
Con bị kích thích quá mức
Nếu trước đó con đã được ăn no, ợ hơi kĩ mà con bỗng khóc to không chảy nước mắt, quay mặt đi tìm mẹ thì có thể con cần “hãy bế con đi”, được mẹ ôm vào lòng và vỗ về giúp con trấn tĩnh và dễ chịu trở lại.
Con khó chịu do tả bẩn
Trẻ khóc do tả bẩn có nhịp điệu nhẹ nhàng hơn, âm thanh như “heh”, em bé sơ sinh có thể đầy bỉm sau 2-3 giờ, mẹ thay thường xuyên cho con khô thoáng dễ chịu và ngừa hăm tả mẹ nhé.
Con khóc do đau bụng colic
Ông bà xưa hay bảo “khóc dạ đề”, đặc biệt vào giờ “phù thủy” của con vào chập choạng chiều tối, con có thể khóc liên tục 3 giờ đồng hồ, dỗ không nín, thường hết khi con qua 3 tháng 10 ngày.
Nếu con có dấu hiệu khóc nhiều và liên tục trên 3 giờ đồng hồ, khả năng cao con bị đau bụng colic, hãy vỗ về con, cho con bình tĩnh sau đó massage nhẹ nhàng, ợ hơi đầy đủ, tắm nước ấm giúp con dễ chịu hơn mẹ nhé. Và đây không phải là bệnh và không gây hại sức khỏe lâu dài của con.
Đôi khi ba mẹ sẽ không thể tìm ra lý do đằng sau tiếng khóc của trẻ. Nhiều trẻ sơ sinh sẽ khóc từ 15 phút đến 1 giờ mỗi ngày, mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Khóc có thể là cách trẻ giải tỏa căng thẳng hoặc thư giãn.
Nếu trẻ không có dấu hiệu đáng lo ngại như sốt, nôn mửa, khó thở, chán ăn và thay đổi giờ ngủ… thì ba mẹ đừng lo lắng khi không tìm ra lý do đằng sau tiếng khóc của trẻ. Để ngăn trẻ khóc, ba mẹ có thể thử cho trẻ bú, làm cho trẻ thoải mái hoặc chơi với trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ không ngừng khóc sau một giờ hoặc có bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào thì tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, ba mẹ nên áp dụng lịch trình cho ăn, ngủ và thay tã hàng ngày, từ đó ba mẹ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ, hạn chế trẻ khóc.